Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Pierrot le fou (1963) - Sometimes, life is beautiful, but it will always be sad.

Một trong những film hay nhất của trào lưu avant-garde (*) cinema nói chung và French New Wave (**) nói riêng.



Ấn tượng đầu tiên của tôi về Pierrot le fou : đây rõ ràng là một phim pháp. Phim được quay với màn ảnh rất rộng, phim dài, tiết tấu chậm lại càng thấy dài hơn và khuôn hình thường luôn ngập tràn ánh nắng. Lại thêm một film rất không Hollywood với những góc quay được giữ rất lâu, cách quay đặc trưng của châu Âu, sự chậm rãi trong từng chi tiết làm nhiều lúc phim cứ như những bức tranh nối tiếp nhau. Lời dẫn chuyện song song của giọng nam và giọng nữ xen kẽ như một bài thơ hay đúng hơn là một điệu nhạc chậm rãi nên thơ.

Đạo diễn Jean-Luc Godard muốn đây là một bộ phim của các mảnh nhỏ, đẹp của nghệ thuật hơn là một kết cấu. Một bộ phim gần với một bức tranh hoặc một bản nhạc hơn là một tiểu thuyết. Vì thế bản thân nội dung hay nói đúng hơn là tuyến truyện của film không có vai trò quá quan trọng. Khởi đầu với thành phố, những cảnh quay trong nhà, những buổi tối, ta thấy hai nhân vật chính : Marianne và Ferdinand (hay Pierrot như cách cô vẫn gọi) sống trong một cảm thức tù đọng, ớn ngán xã hội trưởng giả tư bản. Pierrot đã có vợ con, anh đọc sách rất nhiều, có thể thấy sự cô đơn của anh ngay trong cảnh gần đầu film : anh quote cho con gái nghe về cuộc đời của họa sĩ Velazquez anh đang đọc trong sách, thứ mà cô bé làm sao hiểu nổi :

"The world he lives in is a sad one. A degenerate king, sickly infantes, idiots, dwarfs, cripples, clownish freaks dressed as princes, whose job was laugh as themselves, and amuse a court that lives outside the law, caught in a web of etiquette, plot and lies, bound by the confessional and their own remorse. Outside the gates, the auto-da-fé and silence... Listen to this, little girl. A spirit of nostalgia prevails, yet we see none of the ugliness or sadness, none of the gloom or cruelty of this crushed childhood. Velázquez is the painter of the evening, of open spaces and of silence, even when he paints in broad daylight or in a closed room, even with the din of battle or of the hunt in his ears. As they seldom went out during the day, when everything was drowned in torrid sunshine, spanish painters communed with the evening. Beautiful, isn't it, little girl?"

Velazquez thì có thể giao cảm với những buổi tối, nhưng Pierrot thì không. Anh đến các buổi "chiêu đãi" của giới nghệ sĩ và cảm thấy tất cả những người xung quanh đều đần độn đến nỗi anh bắt đầu nghi ngờ ngay cả trí tuệ của bản thân mình. Anh có thể làm gì ? Còn gì để làm, ngoài việc chạy thật xa với Marianne ?

Marianne's voice : A Season in Hell.
Pierrot's voice : Love must be reinvented.
Marianne's voice : Real life lies elsewhere.
Marianne's voice : Countless centuries fled,
Marianne's voice : into the distance, like so many storms...
Pierrot's voice : I held her close,
Pierrot's voice : and began to cry...
Marianne's voice : It was our first,
Marianne's voice : our only dream.

Từ đó, cách quay của film thay đổi. Khung hình không bao giờ thiếu ánh sáng nữa, cũng như cuộc sống trên con đường trốn chạy xuống miền Nam nước Pháp của đôi tình nhân giờ đã có tự do. "Life may be sad, but it's always beautiful." Không chỉ là một cuộc trốn chạy khỏi nhà tù cuộc sống thường nhật, mà hơn thế, hai nhân vật của chúng ta còn từ chối cả những thành tố cơ bản của đời sống đó, ví như sự sở hữu. Họ đốt tiền, theo nghĩa đen, họ quẳng vali tiền xuống biển để sau đó đi mua vui cho khách du lịch kiếm vài đồng, họ bắn cháy xe ô tô để đi bộ vượt qua những ngọn đồi, những đồng cỏ xanh mướt, những trang trại nặng trĩu cam và táo, họ ăn cắp và lại phi xuống biển một cái xe bạc triệu khác, rồi sau đó đi chân trần trên bờ biển, hoàn toàn không nghĩ đến những giá trị vật chất, không thèm sợ hãi ngày mai.

Tôi chưa bao giờ thích các phụ nữ "đàn bà", đàn bà ở đây hiểu theo nghĩa một tính từ chỉ sự thất thường, hành động cảm tính, suy nghĩ phi lý tính, thay đổi tâm trạng như lá khô trong gió, thích sử dụng vui đùa cái vũ khí tối thượng mang tên quyền lực nữ tính của mình. Marianne là một cô gái như vậy. Nhưng phải thú nhận rằng Marianne là một cô gái mà người ta không thể không yêu. Vai này được diễn bởi Anna Karina, vợ của Godard. Cô quá đẹp, cái đẹp mượt mà, sinh động của một con cáo, thân hình của cô gái pháp thon nhỏ, duyên dáng nhưng đầy sức sống, đôi mắt thông minh, ranh mãnh khó lường, có lúc lại si tình, mơ màng. Cũng giống Pierrot, ở cô có khía cạnh hiện sinh. Cô chả cần gì, tiểu thuyết, nhạc hay thậm chí là cô cũng chả cần tiền. Cái cô muốn, là sống. Mà sống đối với cô lúc này là yêu Pierrot của cô, là đi mãi cho đến những bờ biển địa trung hải, là hát cho anh nghe, đọc thơ với anh, diễn những vở kịch nho nhỏ với Pierrot, người cứ luôn không chịu chấp nhận cái tên ấy. Cô mong muốn mãi mãi được phiêu lưu. Khi Pierrot hỏi cô "You'll never leave me ?". Cô trả lời ngay : "Of course I won't." Pierrot hỏi lại "Of course ?" Marianne nhìn anh và nói : "Yes, of course." Rồi cô nhìn xuống bàn. Rồi nhìn thẳng vào người xem. Khuôn mặt cô rất đẹp. Rồi cô nhìn người yêu và nói lần nữa : "Yes, of course.". Rồi cô nhìn xuống bàn. Và lại nhìn vào ống kính. Lần này thì chỉ còn mỗi Pierrot là không hiểu cô đang nói dối, và người xem (hay tôi) cảm thấy rất khó tả, cái cảm giác có lẽ gần giống khi ta được chứng kiến một phút huy hoàng rực rỡ mà trong lòng đã hiểu rõ nó sẽ nhanh chóng lụi tàn, cái ta đang giữ trong tay rồi sẽ chuội đi như nắm cát, chỉ lại một sự hối tiếc, một sự tất yếu không gì ngăn chặn được. Một cảnh tuyệt đẹp của Anna Karina.

Ferdinand, hay Pierrot (the Crazy) như cách Marianne gọi, lại là đại diện cho lý tính. Anh suy tưởng trong hầu hết thời gian film. Anh đọc sách và nghe nhạc theo tỉ lệ 50 quyển sách một đĩa nhạc. Anh nói anh không bao giờ có nổi một cuộc trò chuyện có nghĩa với Marianne bởi vì ngôn từ của anh là ý tưởng (idea), trong khi ngôn từ của cô chỉ toàn là cảm xúc (feelings). Anh cô đơn, anh tuyệt vọng (despair) (***), anh chỉ còn tin vào văn học. Anh mang theo một quyển notebook, anh viết, anh quote các câu văn và thơ như thể đó mới là nhu cầu chính của anh trước cả ăn, ngủ và làm tình. Khi bị Marianne bỏ rơi, ngôn từ là mảnh đất duy nhất mà anh có thể trú ngụ :

He still keeps a diary. For words have the power to disperse the shadows from around the objects they name. Even if it's compromised, in everyday life, language often retains only what is pure.

Pierrot và Marianne, nam tính và nữ tính, lý trí và cảm xúc lúc quyện vào nhau, lúc rời xa nhau song hành xuống miền Nam. Trên nền sợi dây phiêu lưu đơn giản này, Godard bắt đầu treo vào những bài thơ, những đoạn văn, những bài hát, những vở kịch nho nhỏ, những mỉa mai chính trị, những câu chuyện cười ý nhị, những khung hình chậm như những bức tranh. Phải nói rằng đây là một sợi dây biết hát. Tôi thích tất cả những khung hình có Marianne. Mọi thứ về cô đều hiển hiện nữ tính : khi cô nhảy, hát, nói, cả khi cô giết người. Chưa bao giờ tôi xem một bộ phim mà trong đó có cô gái giết người đẹp nên thơ như thế. Không một chút vẩn đục của bạo lực. Cảnh "đánh nhau" giữa Marianne dùng kéo và tên gangster lùn cầm súng là một trong những cảnh ấn tượng nhất của phim này, dù chỉ diễn ra có vài giây. Karina đứng giữa hai bức tranh của Picasso, giơ cái kéo về phía ống kính, lưỡi kéo và hai ngón tay cô tạo thành hình một con chim và khi cô cắt, con chim bắt đầu bay. Cô là sức sống của cảm xúc bên cạnh một Pierrot thông minh sáng suốt chấp nhận những giới hạn, những xiềng xích không thể cởi bỏ của sự hiện hữu.

Như là cái chết.

Ở cuối phim, có một cảnh rất đẹp. Sau khi Pierrot giết Marianne và tự sát, camera quay về phía biển, biển rộng lớn và xanh ngắt. Lời dẫn chuyện cuối cùng :

Marianne's voice : It's ours again.
Pierrot's voice : What is ?
Marianne's voice : Eternity.
Pierrot's voice : That's just the sea, gone...
Marianne's voice : With the sun.

Pierrot le fou là một tác phẩm kinh điển của điện ảnh pháp. Tôi nghĩ là không quá lời khi nhiều người nhận xét rằng đây là một bộ phim đã vượt qua cả định nghĩa của điện ảnh, nó còn là văn học, âm nhạc, hội họa, là thơ, nó chứa đựng cả một thời kỳ nghệ thuật với nhiều phong trào khác nhau. Godard muốn làm một bộ phim nghệ thuật, và ông đã đạt được nghệ thuật.

---------------

imdb : 7.6 ...what a stupid crowd.

---------------

(*): Nói qua một chút về avant-garde : là một từ tiếng pháp của từ tiếng anh vanguard, tạm dịch ra tiếng việt là tiền phong (hoặc tiền vệ ?). Trào lưu này chủ yếu diễn ra trong thời kỳ của chủ nghĩa hiện đại (modernism), vào giữa thế kỷ hai mươi. Những người theo avant-garde là những nghệ sĩ tách riêng ra khỏi trào lưu chính thống (mainstream), đối lập với nó, chống đối nó, cái ở đây phải hiểu thêm là trào lưu chính thống thương mại (commercial mainstream). Cải cách công nghiệp hóa trên diện rộng trong thời kỳ này đã dẫn đến việc thương mại hóa nghệ thuật, hình thành cái mà cho đến ngày nay vẫn tồn tại, Mass Media. Nó phục vụ cho mục tiêu cuối cùng và tối thượng là lợi nhuận, chứ hoàn toàn không vị nghệ thuật. Lợi nhuận ở đây không chỉ hiểu đơn giản là tiền, mà là tất cả những thứ có thể chuyển hóa thành lợi ích vật chất và dục vọng, ví dụ như độ nổi danh (popularity). Những sản phẩm của Mass media mang tính kitsch : không có từ tiếng việt tương ứng, nhưng có thể hiểu là sến, nông cạn, trang sức, giả tạo. Nó thường vay mượn một số biểu hiện bên ngoài của nghệ thuật vị nghệ thuật thực sự, ví dụ như chính của các tác phẩm vanguard, bên trong nó trống rỗng, không có chiều sâu, thường là vô giá trị. Kitsch cũng là một trào lưu, và tuy đã có trên thế giới từ lâu, có lẽ ở việt nam nó mới chỉ bắt đầu, dưới các phong trào mang tính bầy đàn như chụp ảnh, viết xã luận (của hot blogger), văn chương 8x,9x, nhạc v-pop. Tôi tự nhủ quan niệm của mình về nghệ thuật phi lợi nhuận, thậm chí phi công chúng cũng có thể phần nào xếp vào avant-garde.

(**): French new wave là một trào lưu điện ảnh những năm 50 và 60. Về nội dung, những phim của trào lưu này thường có nhiều yếu tố hiện sinh và một sự chấp nhận cái phi lý không thể tránh khỏi của cuộc đời con người. Về kỹ thuật (cinematic stylings), các đạo diễn thường sử dụng sáng tạo các kiểu lời dẫn chuyện; không quan tâm đến tình liền mạch của các đoạn phim, đưa ra những xâu chuỗi hình ảnh rời rạc, thay đổi nhanh chóng; mặt khác lại sử dụng những góc quay được giữ rất lâu bám theo đối tượng được quay; phát triển nhân vật không tuyến tính; luôn tìm cách nhắc khán giả nhớ là họ đang xem một bộ phim, một tác phẩm của con người chứ không phải một thực tại khác, ví dụ như trong Pierrot le fou, có lúc Pierrot đang lái xe tự nhiên quay lại nhìn vào màn hình nói vài câu bông đùa với khán giả.

(***): despair, từ được dùng nhiều trong film là một trong 3 keyword của triết học hiện sinh.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét