Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Ergo Proxy (2006) - We have to save ourself




Soundtrack clip của seri này, Kiri, gây ấn tượng mạnh với tôi về giọng hát và phong cách vẽ. Lời thoại tương đối kỳ lạ, khiến người xem không khỏi liên tưởng đến một nội dung có màu sắc tôn giáo. Và họ không nhầm, Ergo Proxy là một anime xây dựng trên cảm quan hiện sinh tôn giáo.

Hiện sinh tôn giáo (hoặc đúng hơn là religious existentialism) thật ra không phải là một thuật ngữ đã có của chủ nghĩa hiện sinh mà chỉ là một từ tôi nghĩ ra để miêu tả tư tưởng của anime này. Không nên nhầm nó với chủ nghĩa hiện sinh thiên chúa giáo (khởi nguồn có lẽ từ xa xưa, bởi Dostoevsky), đây là hai thứ hoàn toàn khác nhau, tuy đều dùng khái niệm "God".

Lấy bối cảnh trái đất ở thời điểm hàng nghìn năm sau, sau một vụ thảm họa khởi nguồn từ một loại tân năng lượng metan-hydrogen, cả địa cầu trở thành một hành tinh chết. Con người khi đó sống trong Dome - những quần thể kiến trúc khép kín với kiến trúc mái vòm, với không khí và ánh sáng nhân tạo. Họ được trợ giúp bởi autoreiv - những robot hình người có khả năng suy nghĩ logic. Câu chuyện bắt đầu với một vụ điều tra : một dịch bệnh do loại virus có tên Cogito (*) gây ra đang đe dọa Romdeau, nó tác động đến các autoreiv và khiến chúng trở nên có ý thức tự thân và không thể điều khiển được nữa. Real, hay Re-l, hay Lil, cháu gái của thị trưởng (the grandfather) đồng thời là một nữ thám tử có mã số 124C41 (one to foresee for one). Đảm nhiệm vụ điều tra này, cô dần khám phá ra những sự thật to lớn đằng sau vẻ yên ổn của Romdeau : sự bưng bít tin tức của bộ an ninh, sự tồn tại của một loại quái vật mang tên Proxy và một kẻ dường như tầm thường nhưng lại dính líu đến tất cả mọi việc, Vincent Law. Rồi ngay cả bản thân cô cũng có vẻ là một mắt xích quan trọng.

Khi xem xong vài tập đầu, tôi nghĩ seri này chắc là lấy nhiều ý tưởng từ 1984 của Orwell : một xã hội khép kín, cô lập, tuyệt đối phi dân chủ, duy trì trật tự bởi sự quản thúc gắt gao mọi thông tin về thế giới bên ngoài. Romdeau là một "thiên đường" (utopia) của thời đại, và ai cũng muốn sống ở đó. Nhưng chỉ những người thuộc tầng lớp model citizen - các công dân kiểu mẫu mới được hưởng đầy đủ các quyền lợi vật chất. Trong thành phố, các băng rôn điện tử luôn sáng dòng tít lớn : "Model citizen should throw things away. Be strong ! " v.v.. - một khẩu hiệu đối lập với chủ nghĩa tiêu dùng tư bản. Các công dân của Romdeau, dù ở thứ hạng nào, luôn luôn được phục dịch, trợ giúp, và giám sát 24/24 bởi một entourage : một autoreiv bất ly thân. Bất cứ hành động và lời nói nào cũng đều bị theo dõi. Như là Bắc triều tiên. Quyền lực tối cao nằm ở ba bộ : bộ an ninh, bộ thông tin và bộ nghiên cứu. Nhưng ngay cả ba bộ này cũng nằm dưới quyền hội đồng quản trị, mà thực ra chỉ gồm một người duy nhất : the grandfather. Từ ngay tập đầu, Real đã nói cô yêu "ông", cô tin lời ông kể rằng không có cuộc sống ở ngoài Romdeau. Tuy vậy cô căm ghét thành phố này, cô luôn có cảm tưởng mọi sự đều là dối trá. Một lời nói dối khổng lồ. Romdeau là một thiên đường ngụy tạo (dys-utopia). Rất giống với 1984.

May mắn là tôi đã nhầm, đây là một thế giới quan hoàn toàn mới, Ergo Proxy có cách triển khai riêng của mình. Đến tập thứ ba, câu chuyện rời bỏ Romdeau và tập trung vào hành trình tái khám phá bản thân của Vincent Law, đi cùng cô bé robot dễ thương đã bị nhiễm Cogito, Pino. Real gia nhập cuộc phiêu lưu không lâu sau đó. Họ dấn thân vào một thế giới cằn cỗi hỗn mang, nơi chỉ có tồn tại mà ít khi có ý nghĩa của sự tồn tại. Hai người dần hiểu ra số phận của họ đã gắn kết sâu sắc với nhau, họ muốn tìm ra sự thật của thế giới và tìm ra ý nghĩa của đời mình. Hành trình ấy sẽ đưa họ hết từ sự cay đắng (despair) này đến sự cay đắng khác.

Ergo Proxy, giống như seri Ghost in the Shell, thuộc về một loại media kén khán giả. Những người chỉ thích xem film để giải trí sẽ không thể tiêu hóa được nội dung phức tạp nhiều tầng nhiều lớp của Ergo Proxy. Phần lớn người xem seri này lần đầu không hiểu được hết câu chuyện, thậm chí là chả hiểu gì. Tôi cũng vậy. Chỉ đến khi xem lại lần thứ hai, đọc lại từng câu nói, ta mới xâu chuỗi tất cả lại được với nhau.

Tôi không muốn giải thích cốt truyện ở đây. Chỉ muốn nói thêm, sau khi đã hiểu hết câu chuyện, về ý nghĩa hiện sinh của nó. Nếu trong hiện sinh vô thần của Sartre, con người không có số phận, không được ai tạo ra, chẳng có mục đích gì, nó được mang đến thế giới này và bỏ lại ở đấy một thời gian, tồn tại có trước ý thức, thì trong Ergo Proxy, cả ba loài người, robot, và Proxy đều được tạo ra bởi Thượng đế - God. Cả ba loài được tạo ra nhằm một mục đích, và khi mục đích đã đạt được, chúng không còn giá trị gì, chúng sẽ tự hủy diệt. Thượng đế đã an bài tất cả những điều này từ đầu. Chúng chỉ là công cụ. Vì thế mà một Proxy đã khóc và nói : nếu vậy, tại sao ngài còn cho chúng ta một linh hồn ? Chúng ta cần một linh hồn để làm gì, nếu nó chỉ mang lại cho chúng ta đau khổ ? Một Proxy khác trả lời : không, Ngài không cho chúng ta linh hồn, linh hồn là một thứ chúng ta đã đạt được bằng cách sống và ý thức. Điều đó cũng đúng với người, và autoreiv. Có linh hồn, cá nhân trở nên cay đắng. Anh ta cay đắng về số phận của mình, về những giới hạn eo hẹp của cuộc đời mình, những sự bất khả của cơ thể anh ta, khoảng thời gian hiện hữu ngắn ngủi trên thế giới vĩnh cửu. Khi mục đích của Thượng đế đã đạt được, sự tồn tại của anh ta trở nên thừa thãi, anh ta trở thành một công cụ quá đát, và Thượng đế đã sắp đặt trước sự tự hủy diệt từ bên trong. Thế bây giờ anh ta có thể làm gì, khi mọi ngả đường đều dẫn tới cái chết ? Nếu anh ta là một autoreiv, anh ta chả có một cơ hội nào. Nếu anh ta là người, anh ta lấp đầy sự trống rỗng của mình bằng cách tàn sát các autoreiv. Nếu anh ta là Proxy, anh ta làm vơi nỗi buồn bằng cách chứng kiến hai loài kia tàn sát lẫn nhau, rồi giết nốt những kẻ còn sót lại. Ngay từ tập một, ta đã chứng kiến một cái bóng nói : "chúng ta không thể đối đầu với họ, nhưng chúng ta có thể trừng phạt họ". Sau này ta sẽ biết người đó là Proxy 1. Sự trừng phạt ở đây chính là sự hủy diệt tất cả. "To punish those who desire God in a godless world" - để trừng phạt những kẻ muốn có một thượng đế trong một thế giới không hề có thượng đế. Hoặc đúng hơn, trong một thế giới mà thượng đế không phải là người ta vẫn tưởng. Thượng đế là một kẻ vô tình, kẻ đã bỏ đi, mang theo tình yêu, để lại trên mặt đất những kẻ chỉ còn trong tâm hồn sự nhớ nhung đối với Ngài và sự vô cảm với những kẻ đồng loại khác. Và sự vô cảm luôn luôn trở thành sự căm thù.

Nói chung thứ hiện sinh của Ergo Proxy rất đen tối. Nếu chỉ thế thì nên gọi đó là một thứ hư vô. Tính chất tích cực của Ergo Proxy thể hiện ra trong tập cuối, đúng như tên gọi Deux ex machina (**) . Tính bi kịch của nó chuyển thành anh hùng ca, nhưng không đúng như tên gọi, không hề bị gượng gạo áp đặt. Vincent Law, Real 124C41, Pino, ba phế vật của ba loài, lại trở thành những anh hùng, những kẻ sống sót, những kẻ đã chiến thắng được nỗi cô đơn. Như lời của Vincent khi từ chối lên cõi vĩnh hằng với Monad :

"Anh xin lỗi. Anh không thể tiếp tục quên lãng. Trách nhiệm và số phận, không còn quan trọng nữa... Đối diện với nhau. Tranh đấu với nhau. Giúp đỡ lẫn nhau. Tựa vào nhau. Chúng ta tiếp tục sống. "

Monad nói : "Có điều gì là tốt đẹp trong hiện thực đó ? Một hiện thực đen tối và lạnh lẽo, một tương lai đầy bất trắc ?"

Vincent : "Nhưng đấy chính là hiện thực của chúng ta."

Và Vincent đã đúng, Monad một mình đi lên cõi vĩnh hằng, chỉ để nhận ra rằng không có cõi vĩnh hằng nào cả, chỉ đơn giản là cái chết.

Cái hay của Ergo Proxy nằm ở chỗ một mặt nó là một câu chuyện thống nhất tròn vẹn từ đầu tới cuối, mặt khác lại mang một ngụ ý sâu sắc về xã hội loài người : sự phân biệt chủng tộc, các cuộc chiến tranh tàn bạo nhân danh chúa, các cuộc chiến tranh còn tàn bạo hơn khi không còn chúa, bản chất độc ác của con người. Nhưng dù bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta ít nhất còn quyền hy vọng.

Cái dở của seri này nằm ở chỗ nó có hơi nhiều tính ẩn dụ và ngụ ngôn. Thật ra khó làm về đề tài tôn giáo mà không hình tượng hóa. Dù sao thì tôi vẫn thích Ergo Proxy hơn một anime tương tự và rất nổi tiếng khác là Neon Genesis Evangelion với mật độ ẩn dụ kinh khủng dày đặc. So với Ghost in the Shell : Stand alone complex thì chưa bằng.  Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu một ngày nào đó tôi được xem một anime ngang tầm với Gits : Stand alone complex.

(*): lấy từ câu Cogito, ergo sum - I think, therefore I am. Ergo trong Ergo Proxy cũng lấy từ câu này.
(**): god out of a machine, thuật ngữ chỉ sự thay đổi đột ngột ở phần cuối một câu chuyện bằng cách đưa vào những yếu tố mới và bất hợp lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét