Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Into the wild (2007) - A child may be intelligent, but never wise

Into the wild dựa trên một câu chuyện có thật, kể về cuộc phiêu lưu qua các miền đất Mỹ với cái đích cuối cùng là Alaska của chàng trai trẻ Chris. Lời dẫn chuyện là của một cô gái trẻ, Carine, em của Chris, làm dịu nhẹ hơn nữa một bộ phim vốn đã có tiết tấu chậm, dài hai tiếng rưỡi, đa cảm (sentimental), có phần melodramatic. Vì thế có nhiều người rất thích film này, nhưng cũng có nhiều người rất ghét.



Spoiler !


Chris McCandless không hạnh phúc. Anh vừa mới trải qua những năm đại học với một bằng tốt nghiệp hạng ưu. Thông minh và có khả năng ở nhiều lĩnh vực, Chris có thể dễ dàng đi tiếp con đường mà nhiều người chọn : kiếm một việc làm tốt, thăng tiến, kiếm nhiều tiền, lấy vợ sinh con, già đi và chết. Bố mẹ Chris đương nhiên cũng muốn anh như thế. Như nhiều thanh niên trẻ và thông minh nhạy cảm khác, Chris có cách nghĩ riêng của mình. Anh không thấy chút ý nghĩa nào trong cái cuộc đời được vạch sẵn đó, một phần vì anh đọc nhiều sách, nhận thức tốt, một phần nữa vì tuổi thơ bất hạnh, luôn phải chứng kiến những trận cãi vã liên miên của bố mẹ, những lời dạy bảo áp đặt và giả tạo, nhất là từ khi họ trở nên giàu có. "Career is a 20th century's invention, and I don't want one". Chris gửi hết số tiền 24k usd trong tài khoản của anh cho một tổ chức từ thiện, không mang theo bất cứ tài sản nào, đổi tên thành Alexander Supertramp, bắt đầu cuộc phiêu lưu về với thiên nhiên đơn độc của mình.

Chris tin rằng ý nghĩa cuộc sống không chỉ có ở quan hệ giữa người với người. Nó có ở khắp mọi nơi, và anh muốn trải nghiệm ý nghĩa của cuộc sống trong thiên nhiên hoang dã. Tuy thế, có lẽ bởi sự cô đơn khó che giấu, sự mẫn cảm và vẻ dễ bị tổn thương, đi đến đâu Chris cũng nhận được sự quan tâm và chăm sóc của nhiều người. Anh dễ dàng kết bạn và ảnh hưởng của anh đến những người bạn bất kể giới tính và tuổi tác thường là tích cực, bởi anh khơi dậy tình yêu trong họ. Cuối cùng Chris đến được Alaska, miền đất băng giá. Vì ăn nhầm một loại trái cây, Chris bị ngộ độc, không trở về kịp khi con sông băng tan ra, và chết.

Những lý do khiến người ta thích film này là dễ nhận thấy : Chris là người đáng yêu và dễ thông cảm. Hoặc nói chính xác hơn, đạo diễn muốn như vậy. Chris được đóng bởi Emile Hirsch với có khuôn mặt đẹp trai như một cậu bé, thông minh, dễ chịu. Anh lại lớn lên trong một gia đình bất hòa và áp đặt. Người xem có thể chạm vào nỗi cô đơn hiển hiện của cậu bé này, có ai là không thấy cậu cần sự dịu dàng và tình yêu ? Những người gặp Chris đều rất dịu dàng với anh, và đấy cũng là tình cảm của khán giả. Phim dài hơn hai tiếng, người xem dường như trải qua một chuyến phiêu lưu qua nhiều miền đất tươi đẹp cùng với Chris, điều đó lại càng làm tăng cảm giác thân thiết, những ưu điểm tăng lên, những sai lầm được chấp nhận và bỏ qua. Cái chết cuối film của chàng trai trẻ này chắc chắn đã khiến nhiều người xem, trong đó có tôi, cảm thấy rất buồn.

Ngược lại, người ta ghét Chris và do đó, ghét film này vì những lý do cũng dễ nhận thấy không kém : thứ nhất, Chris là người ích kỷ. Đúng, gia đình và tuổi thơ của anh tồi tệ, nhưng thật ra, nó cũng chưa hẳn là quá tồi tệ, so với nhiều gia đình khác. Về mặt vật chất, anh không thiếu thốn gì, vẫn được học lên đại học. Về mặt tinh thần, tuy bố mẹ anh cãi vã thường xuyên và thích ép buộc anh, tình cảm của họ đối với anh về cơ bản không phải là giả dối. So với những đứa trẻ bị đánh đập, bị bạo hành về mặt thể xác, hay tinh thần, anh may mắn hơn nhiều. Em gái thân thiết với anh. Anh không phải hoàn toàn cô đơn. Vậy tại sao anh lại bỏ nhà ra đi trong suốt mấy năm không thèm nhắn cho họ một lần ? Em gái của anh đã có lỗi gì ? Trên đường đi, Chris nhận được rất nhiều tình yêu từ những người xung quanh, nhưng anh vẫn ngoan cố muốn một mình, không biết quý trọng những cơ hội đó.

Thứ hai : Chris ngu ngốc. Anh là một sinh viên học giỏi đọc nhiều sách không có nghĩa là anh đã là một người trưởng thành thông minh. Nếu muốn thoát khỏi gia đình, có hàng chục cách khác, hiệu quả hơn, có ý nghĩa hơn. Thậm chí nếu muốn thoát khỏi xã hội và những gọng kìm của nó, vẫn có những cách khác. Cái cần trước tiên là một tư tưởng thông suốt, độ chín trong suy nghĩ và hành động. Chuyến phiêu lưu nửa hippie nửa ẩn dật của Chris không có một triết lý nội tại sâu sắc nào. Ý nghĩa của cuộc đời làm sao có thể tìm thấy ở trong một cái xe bus hỏng ở Alaska ? Nó cũng chả phải là thiên nhiên hoang dã gì. Hãy nhớ đến Jack London. Mặt khác, Chris trong đời thật không được như trong film, ít hấp dẫn hơn, cô độc và xa lánh hơn. Anh bị thổ dân coi thường vì không hề biết đến cái cầu nối với một ngôi làng nhỏ chỉ cách cái xe bus có hơn hai trăm mét. Người ta so sánh Chris với Kerouac của thế hệ Beat và lúc đó, những ý nghĩ tưởng rằng sâu sắc của anh bỗng trở nên tầm thường.

Vậy cuối cùng, nên yêu hay ghét Chris ? Tôi nghĩ rằng cả hai. Chris thực ra chỉ là một cậu bé và người ta hoàn toàn có thể vừa yêu vừa ghét một đứa trẻ. Cũng như thông cảm, rồi tha thứ cho nó. Tất cả trẻ con đều ích kỷ. Thêm nữa, những người ghét Chris có lẽ đã quên bản thân mình của tuổi hai mươi. Ở độ tuổi ấy, có ai đã thực sự trưởng thành ? Việc Chris bỏ nhà ra đi chỉ có một phần chứ không phải hoàn toàn là để trả đũa gia đình, như một số người nghĩ. Tình yêu của Chris với thiên nhiên là có thật. Và hơn thế, đấy là khát khao được tự do. Tôi cho rằng phải có một niềm tin và khát khao thật lớn, người ta mới có thể quyết đoán làm điều mà Chris đã làm. Trong hai năm lang thang phiêu bạt, anh đã sống một cuộc đời mới, gặp gỡ nhiều kiểu người khác nhau, ngắm nhìn thế giới trong vẻ trong sạch nhất của nó. Ai có thể nói những năm tháng ấy là uổng phí ? Bao nhiêu phần trăm của nhân loại có thể chắc chắn rằng mình đã sống một cuộc đời phong phú và ý nghĩa hơn ? Chris McCandless có thể không phải là một người thông minh xuất chúng hoặc quá đáng yêu như bộ film cố tình khắc họa, có thể là tầm thường so với những vĩ nhân như Kerouac, nhưng cuộc đời của anh có đáng để chúng ta hiểu, thông cảm và cảm thấy buồn không ? Tôi nghĩ bất cứ ai có trái tim đều sẽ trả lời là có.

Đạo diễn Into the wild là Sean Penn. Không hiểu sao tôi luôn có ác cảm với ông này. Có gì đấy ở Sean Penn làm tôi cảm thấy không chân thật, ở cả vai trò diễn viên lẫn đạo diễn. Ví dụ tôi chả hiểu Milk hay ở chỗ quái nào, nhưng thôi đấy là chuyện khác. Về mặt nghệ thuật mà nói, Into the wild được quay khá đẹp, diễn viên chính diễn khá tốt. Nhược điểm là quá dài và cố tình mua chuộc lòng thông cảm. Tôi nghĩ không cần phải vậy, có thể làm khác đi, và hay hơn.

---------

imdb : 8.2 a bit too high

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét