Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

The everlasting questions (2)

Về trong phố xưa tôi nằm

Có lần nghe tiếng ru bên vườn

Chợt như xác thân không còn

Và cạnh tôi là đồng vắng


Về trên phố cao nguyên ngồi

Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi

Chợt như phố kia không người

Còn lại tôi bước hoài


Lòng ta có khi tựa như vắng ai

Nhiều khi đã vui cười nhiều khi đứng riêng ngoài

Nhiều đêm muốn đi về con phố xa

Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà


Dòng sông trước kia tôi về

Bỗng giờ đây đã khô không ngờ

Lòng tôi có khi mơ hồ

Tưởng mình đang là cơn gió


Về chân núi thăm nấm mồ

Giữa đường trưa có tôi bơ phờ

Chợt tôi thấy thiên thu là

Một đường không bến bờ.

Cách đây nhiều năm, tôi có nghe nhạc Trịnh và đây là một trong những bài tôi thích nhất và còn nhớ đến, bên cạnh vài bài khác như Phôi pha hoặc Em còn nhớ hay em đã quên. Tôi luôn cảm thấy nhạc Trịnh là một hình thức nằm giữa nhạc và thơ, có lẽ sức mạnh lớn nhất của nó nằm ở giai điệu đơn giản làm nền cho ca từ phức tạp và hoàn hảo. Ở bài thơ này, những câu như "chợt như xác thân không còn", "như phố kia không người", như dòng sông đã "khô không ngờ", "thiên thu là một đường không bến bờ" đã làm tôi xúc động, bởi nó ít nhiều có điểm tương đồng với những điều tôi đã trải qua thời thanh thiếu niên. Nó tạo nên một nỗi xao xuyến rất mơ hồ, trống trải, khó gọi tên, có gì giống như một thế giới phủ đầy sương mù và vắng hơi ấm con người. Lớn thêm lên, tôi không còn thích nhạc Trịnh nữa, cũng nhanh chóng vượt khỏi cái tôi gọi là emotional-copy level, thứ thống trị số đông, nhưng nỗi xao xuyến ấy vẫn còn lại. Nó là một cái gì cơ bản hơn, thuộc về bản chất. Nó không hiện hữu rõ ràng, nhưng giờ tôi biết nó tồn tại trong tất cả các cá nhân, chỉ là tôi cảm nhận sớm hơn nhiều người khác. Nó cũng chính là thứ đã khiến tôi đã viết, rõ ràng hơn : "Dân ở đây không có nỗi xao xuyến ban đầu ấy, tất cả những gì họ có là những thói quen."

Dường như tất cả mọi điều cuối cùng đều quy vào một mối. Thứ khiến tôi một lần nữa nghe lại bài hát mơ hồ và hơi yếu ớt này, không gì khác hơn chính là Ghost in the Shell 1 (GitS1). Nó làm tôi nhìn lại một lần nữa tất cả và có thể gọi tên chính xác : đây là những xao xuyến hiện sinh. Trong GitS1, vấn đề này được biểu hiện qua cuộc đời của một thực thể sống biết suy nghĩ và cảm thụ, nhưng không phải con người, có tên Project2501.

2.I'm a living, thinking entity, who was created in the sea of information. - Project2501

"Sự sống là gì ?" Nếu điều cốt tủy định nghĩa cá nhân là ý thức và cảm xúc, như đã nói ở trên, thì "điều gì định nghĩa ý thức của một cá nhân ?". "Ý nghĩa của cái chết là gì ?"

Khi xem GitS 1 lần đầu, tôi không cảm nhận được một cách rõ ràng, nhưng sau khi xem lại nhiều lần những đoạn quan trọng, sự xuất hiện của nhân vật Project2501 là rất ấn tượng. Hãy thử nói sơ lược về nhân vật này : Project2501 là một chương trình máy tính cao cấp được làm ra với mục đích tình báo công nghiệp, với nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo và cài đặt đồng thời tối ưu hóa Ghosts vào các Shells. Trong những lần thực thi nhiệm vụ của mình, Project2501 vốn là một chương trình có khả năng làm việc độc lập đã có những chuyến đi sâu và rộng vào The Net, đã tiếp xúc và tương tác với rất nhiều Ghosts. Anh ta (Project2501) dần ý thức được về sự tồn tại của mình và trở thành một thực thể biết cảm thụ, và phải nói thêm, còn là một thực thể thông minh. Anh ta nhìn thấy trong The Net một cuộc đời khá giống bản thân, và sau đó anh ta làm tất cả để có thể gặp Kusanagi , kể cả nếu có bị nguy hiểm đến tính mạng.

Đoạn anh ta xuất hiện trong phim là một trong những đoạn khó hiểu và rung động nhất, nối tiếp cảnh Kusanagi nghe một giọng nói khác của mình vang lên rồi thấy mình trôi đi trong một thực tại kỳ lạ, trên một chiếc bus nước giữa các dòng kênh đồng thời cũng là con phố, nhìn những dòng người buồn bã và hối hả chảy trôi hai bên hè, những hàng quán sáng cái ánh sáng lạnh của đèn tuýp, lại nhìn thấy một Kusanagi khác ngồi trong các hàng quán đó quay lại nhìn ngắm bản thân, những bóng người in lên khung cửa sổ bằng kính trước mặt cô, buổi chiều tắt nắng rồi những đứa trẻ cầm ô chạy trong mưa, mưa rơi nặng và dày hơn, dòng người cầm ô đi lên dốc trong khi nước chảy xuống dốc thành những dòng nhỏ xiết, trời tối lại và dưới những dòng kênh, các con tàu nhỏ dập dềnh. Trời đã chuyển hẳn sang tối đen và mưa to, trên xa lộ, Project2501 trong hình hài của một cô gái khỏa thân, đứng chờ một chiếc xe phóng nhanh tới đâm mình. Trường đoạn đó là một trong những thứ The Matrix nói riêng hoặc Hollywood nói chung không thể bắt chước. Phối với một thứ âm nhạc miên man, buồn rầu và côi cút, nó đưa người xem đến với một cảm nhận vô thức về những nhỏ nhoi thường nhật và sự tất yếu của cái chết.

Cái chết, điều tất yếu vẫn đợi ta ở cuối con đường. Cái chết, không phải là gì khác hơn cuộc sống. Một thế kỷ, thứ có thể gói gọn một đời người, là gì so với 5 tỷ năm trái đất này tồn tại ? Loài người là gì ? Chỉ một mắt xích bé xíu trong cái chuỗi tiến hóa vô cùng của chọn lọc tự nhiên. Sartre nói, con người bị kết án phải tự do, nó đâu có được lựa chọn khi được sinh ra trên cõi đời này. Nó chỉ có quyền tự do chọn lựa con đường mình sẽ đi trong khoảng thời gian ngắn ngủi nó hiện hữu, cố gắng đạt đến một ý nghĩa nào đó cho đời sống của mình, vượt qua cái vị thế nhỏ bé đến phi lý và hư vô của cá nhân trên dòng lịch sử.

Xem GitS1, ta xem một thế giới viễn tưởng của công nghệ, giống và hoàn hảo hơn The Matrix nhiều. Không chỉ thế, ta không chỉ nhìn qua một lăng kính vào tương lai, xem các người-máy tối tân thực hiện các pha hành động. Ta nhìn thấy những xao xuyến cốt lõi nhất, được mở lại và quan sát ở những góc độ mới.

Lúc đầu, người ta không tin Project2501 : "Ridiculous! You're programmed for self-preservation!" Anh ta trả lời, khẳng định sự tồn tại của mình : "It can also be argued that DNA is nothing more than a program designed to preserve itself. Life has become more complex in the overwhelming sea of information. And life, when organized into species, relies upon genes to be its memory system. So man is an individual only because of his intentional memory. Memory cannot be defined, but it defines mankind. The advent of computers and the subsequent emulation of uncalculatable data has given rise to a new system of memory and thought, fertile to your own. Humanity has underestimated the consequences of computerization." Tôi thấy tất cả những điều này đều hợp lý, với một điều kiện : não người có thể hoàn toàn tin-hóa (computerization).

Hãy gạt sang một bên khía cạnh viễn tưởng này, vì ta đâu thể biết tương lai con người có thể và không thể làm được gì. Hãy nhìn Project2501 với tư cách một cá nhân. Là một thực thể thông minh, anh ta ý thức về sự sống của mình, và cả những điều mình còn thiếu và muốn đạt được : "I refer to myself as an intelligent life form – because I am sentient, and I’m able to recognize my own existence. But in my present state I am still incomplete. I lack the most basic life processes – inherent in all living organisms: reproducing and dying.
...

All living things must die. Then I too will attain death."

Phải, khi một cá nhân ý thức được đầy đủ sự hiện hữu của mình trong dòng thời gian vô tận này, cá nhân đó thường không còn sợ hãi cái chết nữa. Người ta chỉ sợ cái gì mình không hiểu. Cái chết, trong nhiều tác phẩm dưới sức ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh, thường được nhắc đến và chấp nhận như một điều hiển nhiên, không một chút lo âu. Tôi tự hỏi mình có sợ chết không. Câu trả lời là không. Một cách vô thức, tôi đã hiểu những điều này từ rất lâu. Có lẽ tôi chỉ sợ đau một chút, những nỗi đau thể chất thường gắn liền với cái chết. Cái chết, như một bóng đen phía sau làn mưa, con người tiến đến nó, xuyên qua làn mưa. Mỗi giọt mưa là một giây phút thoảng qua của thực tại, người ta dấn thân vào mưa, cuộc phiêu lưu khởi đầu, rồi chỉ trong chốc lát đã đi qua giây phút ấy, nó đã vĩnh viễn trôi dạt vào quá khứ. Cuộc đời chỉ là một số không nhiều những giọt đang rơi nhanh đó. Tôi nghĩ rằng, khi một người đạt đến một nhận thức toàn diện về quá trình hiện hữu của mình, anh ta đương nhiên sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua những cám dỗ vật chất và tinh thần tầm thường vốn nhan nhản trong đời.

Bạn có thể hỏi, kết cục của Project2501 ra sao ? Anh ta đạt đến cái chết như thế nào, và để làm gì ? Tôi không muốn kể lại điều đó ở đây, chỉ muốn nói : cái kết cục đó đẹp, nó thể hiện cái khát vọng của tác giả về một khả năng tồn tại rộng lớn hơn, tự do hơn của ý thức. Tất cả những điều đó chỉ có thể đạt được nếu viễn tưởng công nghệ trong phim sẽ thành hiện thực vào một ngày nào đó, nhưng chắc chắn sẽ phải sau thế hệ của tôi. Còn bây giờ, tôi chỉ có thể chia sẻ ước mơ của các đạo diễn phim và thán phục tác phẩm nghệ thuật này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét