Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

The everlasting questions (1)



Vì một sự nhầm lẫn mà tôi bắt đầu seri Ghost in the shell với Stand alone complex : Solid State Society, cái thực ra là tập cuối, phức tạp nhất trong cả ba. Kết quả là tôi phải xem lại một lần nữa mới hiểu hết được. May mà cả ba tập này đều đáng xem lại nhiều lần.

Trước tiên, Ghost in the shell (GitS) là một bộ phim science-fiction, nghĩa là khoa học viễn tưởng. Bối cảnh được đặt ra tương đối gần, vào khoảng 2030-2040. Từ nhỏ, tôi đã xem rất nhiều tiểu thuyết và phim của thể loại này, và tôi thực sự thích phong cách của GitS. Không giống như nhiều tác phẩm khác luôn đưa ra một thời điểm mà loài người đã phát triển vượt bậc đến nỗi vượt luôn cả khả năng tưởng tượng của ê kíp làm phim, khiến cho sự viễn tưởng nhiều khi mang đậm chất hàng mã thiếu chiều sâu, GitS đưa ra một thành phố khá giống các thành phố lớn của Nhật hiện nay : các tòa nhà cao tầng chứ không chọc trời, ô tô vẫn có cửa ngang và bốn bánh, các khu chợ vẫn hệt như bây giờ, với đèn neon và các kiot hàng hóa. Vẫn có các băng đảng yakuza và các nhân vật chính của chúng ta, một dạng cảnh sát đặc nhiệm, vẫn chỉ dùng súng lục, súng máy là chủ yếu.

Vậy cái gì là khác biệt trong thế giới đó ? Chỉ có một thứ : The Net, mạng toàn cầu. Trong thế giới của GitS, công nghệ thông tin đã thâm nhập vào mọi thứ, không chỉ sản xuất, buôn bán, giải trí như bây giờ mà cả vào con người. Bằng cách cấy ghép các bộ phận máy vào cơ thể, con người tự làm tăng khả năng lao động của mình. Với công nghệ nano-machine, máy móc cấp độ phân tử, não người được tăng tốc, trở thành cyber brain, và được kết nối trực tiếp vào mạng, có thể nhập và xuất thông tin trực tiếp từ mạng toàn cầu, hay The Net. Mặt khác, chính vì các hoạt động của não cũng là các hoạt động thông tin, nên nó có thể được ghi nhớ, tổng hợp, phân tích, lưu trữ, y hệt như đối với các chương trình và dữ liệu máy tính. Tập hợp tất cả các hoạt động đó được lưu vào một thứ gọi là Ghost (soul), thứ có thể load lên mạng hoặc tải xuống một Shell (body or cyberbody). Hai nhân vật chính, Kusanagi là một cô gái có cơ thể hoàn toàn là máy và Batou, người có cơ thể được cấy ghép và thay đổi nhiều đến nỗi khó coi cơ thể anh ta là của con người. Phần lớn những người khác đều có ít nhiều máy móc trong người, chỉ có một số rất ít, bảo thủ là từ chối các công nghệ. Trong cái tương lai số hóa này, ranh giới giữa người và máy là rất mỏng manh.

Trên bối cảnh đó, cốt truyện của phim thường là một vụ điều tra hình sự. Tình tiết vụ án phức tạp, gay cấn. GitS vẽ rất đẹp, ngay cả khi so sánh với các anime khác của Nhật, nhạc phim hay. Viễn tưởng của GitS hợp lý, hệ thống. Tất cả những điều đó đã là quá đủ cho một bộ phim hạng A.

GitS, theo tôi, vượt xa một bộ phim hạng A. Đấy là bởi vì tất cả những thứ trên, cái thế giới đã bị thông tin hóa đến thay đổi đến tận gốc rễ kể trên chỉ là phông nền, là bề nổi để các đạo diễn, một người một kiểu, khai triển những tư tưởng triết học của mình. Và chỉ sau khi suy ngẫm thật lâu, ta mới thấy sự gần gũi giữa những tư tưởng đó với bản thân, một mối liên hệ chặt chẽ mà lúc đầu ta không ngờ tới.

1."I feel confined" - Kusanagi the Major.

"Trong tất cả những thứ thuộc về tôi, cái gì là cốt tủy ?", "Điều gì làm nên tôi, với tư cách là một cá nhân, với tư cách là một con người ?" Tôi cá rằng nếu có các câu trả lời thực lòng từ tất cả mọi người, cái chuyện không thể có được, nhưng cứ giả sử là có đi, thì sẽ rất buồn cười. Câu trả lời thường gặp nhất hiện nay có thể, rất dễ dàng, là một cái xe ôtô, ít ra cũng phải là xe máy SH, hoặc một khuôn mặt đẹp, hoặc cặp vú to, hoặc dáng chuẩn và da đẹp, hoặc vài đám đất, tiền gửi ngân hàng. Hoặc đơn giản hơn, là không biết...

Hãy bỏ qua câu trả lời của số đông. Từ xa xưa, có những người đã hiểu cái thực sự làm nên cái tôi không phải là của cải, địa vị và danh tiếng. Và ngay cả diện mạo, thân thể. Cái đã và luôn luôn có giá trị nhất của cá nhân, vẫn là ý thức và cảm xúc. Trong Blade Runner, một bộ phim kinh điển, tương đối giống GitS, một điều đã được làm rõ : ngay cả thân xác cũng chỉ là bề nổi và có thể hoàn toàn không quan trọng. Ai người hơn, giữa một con người còn sống về mặt thân xác nhưng đần độn và suy đồi, còi cọc về mặt tinh thần, với một robot sinh học có vòng đời ngắn ngủi, được chế tạo để làm nô lệ, có thể chết bất cứ lúc nào, nhưng lại biết rung động sâu sắc trước cái đẹp và điều thiện ? Tất cả những ai xúc động trước cái chết của Roy đều hiểu câu trả lời. Hay như V trong V for Vendetta đã nói : "There is a face beneath this mask but it's not me. I'm no more that face than I am the muscles beneath it or the bones beneath them." Trong GitS, điều này trở nên mặc định, hàm chứa ngay ở khái niệm Ghost và Shell.

Trở lại với GitS 1, Kusanagi nói : "There are countless ingredients that make up the human body and mind. Like all the components that make up me as an individual with my own personality. Sure, I have a face and voice to distinguish myself from others, but my thoughts and memories are unique only to me, and I carry a sense of my own destiny. Each of those things are just a small part of it. I collect information to use in my own way. All of that blends to create a mixture that forms me and gives rise to my conscience.

I feel confined, only free to expand myself within boundaries."

I feel confined, too. Who doesn't ?

Trong quá trình trưởng thành, chắc hẳn nhiều người đã cảm thấy sự xung đột giữa cái tôi và diện mạo. Có gì khó chịu và oan ức bằng một diện mạo biểu hiện ra những tính cách trái ngược với cái tôi ? Cần phải có nhiều cố gắng mới có thể khiến một người khác có đánh giá đúng về mình, và đấy luôn luôn là một điều mệt mỏi. Mà ngoài kia, chỉ toàn là những người lạ, hời hợt lướt qua...

Diện mạo chỉ là một phần nhỏ của những giới hạn (boundaries). Đôi khi tôi cảm thấy căm ghét cơ thể mình và tất cả những bệnh tật, những nhu cầu, những ham muốn của nó. Giống như là Agnes của Kundera. Nó lấy đi của tôi quá nhiều thời gian, dựng lên quá nhiều rào cản. Nhục thể từ trước đến nay vẫn luôn là một giới hạn khó vượt qua. Micheal Houellebecq đã cố gắng giải quyết vấn đề này trong Hạt cơ bản, bằng công nghệ gene, với viễn tưởng loài người là loài đầu tiên trong chuỗi tiến hóa đã tự tiến hóa mình thành một loài khác, vô giới tính. Ý tưởng thì hay, nhưng kiến thức chuyên ngành kém nên tiểu thuyết của ông cũng khá hàng mã, dù đã cho vào vô số thuật ngữ. Ghost in the shell đưa ra một giải pháp khác, một dạng sống mới, thuần ý thức, có sức thuyết phục hơn nhiều. Tôi thực sự tin rằng đến một lúc nhất định, con người sẽ có thể đạt đến một trạng thái như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét