Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Inception (2010) - Mind game without substance goes only so far

(3/11/10)

Very similar to Mind Game (a japanese anime), and a lot weaker. Impressive for the first view, but just like The Dark Knight, Nolan's Inception isn't that good when looked closely.



Bây giờ mới xem phim này, kể ra hơi muộn. Sự thật là gần đây việc đi xem rạp không khiến tôi thấy vui thú gì. Có thể do xem ở nhà, dù muộn so với phong trào, thoải mái hơn hẳn : tôi có thể vừa xem vừa quấn chăn và uống các loại thức uống nóng. Tôi có thể bỏ ngay một phim dở, chuyển sang phim khác. Hoặc do tôi phần nào đã quá quen với phim tiếng anh và phụ đề tiếng anh, không muốn xem tiếng việt nữa. Và có lẽ, là do bây giờ phim được mông má quảng cáo quá nhiều, quá giỏi, toàn bom tấn, siêu phẩm gì đó, nhưng thực tế thì sao ? Tôi thấy chả đáng để bỏ ra hơn 100k đi xem ngay khi trình chiếu lần đầu. Avatar chẳng hạn, ầm ĩ như thế mà chả gây ấn tượng gì với tôi, chỉ thấy giống một cái game nuột nà. The dark knight, xem lần đầu thấy rất hay, rồi sau đó suy nghĩ kỹ, thì không có gì sâu sắc đọng lại. Giờ là Inception, quay đẹp, kỹ xảo thú vị, nhưng ấn tượng nó gây cho tôi còn kém cả The dark knight. Xem được hơn nửa tiếng, tôi đã hết tò mò. Bề ngoài Inception là một bộ phim sâu sắc, thông minh, một smart film. Nhưng có thật vậy không ? Một bộ phim thông minh thì lại thường không thu hút đại đa số khán giả. Lợi nhuận và nghệ thuật luôn đối nghịch nhau. Cái có thể bán được nhiều vé, chỉ là những bộ phim có vẻ thông minh. Tại sao có thể kết luận như vậy ?

Thứ nhất, chính là tính original của film. Những người ít đọc và xem có thể nghĩ rằng Christopher Nolan đã cho ra đời một bộ phim hoàn toàn original. Thực tế ngược lại. Inception dựa trên một triết lý : cuộc đời chính là một giấc mộng, hiện thực và mộng ảo đôi khi hòa quyện vào nhau, không thể phân biệt được thật giả. Điều này đã được nói đến vô số lần trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Ví dụ :

Giả bảo là chân, chân cũng giả
Không làm ra có, có rồi không.

Đây là câu đối trong phần mở đầu của Hồng Lâu Mộng, được viết cuối thế kỷ 18. Inception nói đến khái niệm một giấc mộng ở bên trong một giấc mộng, câu này nghe đã quá quen đối với những người thích văn hóa nhật như tôi. Nhiều giấc mơ lồng vào nhau, hay reality's loop, không phải là cái gì mới, Marquez đã từng viết về cảm giác này trong một truyện ngắn. Và nhiều tác giả khác nữa. Thậm chí tôi cũng đã viết về nó, vì tôi đã từng mơ kiểu này, một kinh nghiệm thật khủng khiếp. Limbo, trạng thái chìm đắm trong vô thức, gần như vĩnh viễn, tạo ra bởi sự chia nhỏ vô tận một khoảng thời gian hữu hạn trong thực tế (thời gian nằm và mơ), không nói đâu xa, chính là trạng thái cuối cùng của nhân vật chính trong truyện Xứ sở tàn bạo diệu kỳ và nơi tận cùng thế giới của Murakami. Nhân vật đó cũng đứng trước sự đấu tranh dai dẳng giữa hai việc ở lại xứ sở (limbo) đó và tỉnh lại, giống hệt như các nhân vật trong Inception.

Nếu không tính văn học thì sao ? Hãy chỉ nói về điện ảnh thôi. Tôi thấy Inception quá giống Mind Game. Cũng là những giấc mơ ở bên trong những giấc mơ, chúng phân nhánh, đôi lúc giao thoa, phức tạp, khó, hoặc không thể nhận biết. Cái khác là Mind Game có tính hệ thống cao hơn, khi kết thúc phim, người ta có thể dựa trên những chi tiết trong phim mà gây dựng lại một mạch hiện thực chính xác, logic, không có lỗ hổng. Inception không được như thế. Tôi ghét những tác phẩm che dấu kết cấu yếu bằng vẻ ngoài đa nghĩa, hiểu thế nào cũng được. Mà chính kết cấu không tì vết mới tạo nên chiều sâu, chứ chả phải mấy cái kỹ xảo uốn cong thành phố Pari.

Nếu nói về sub-conscious, nhất là vô thức tập thể, sự kết nối vô thức, và maze, hay mê cung của vô thức, không thể không nhắc đến Ghost in the Shell (GitS). Đứng cạnh GitS, hệ thống những tưởng tượng của Inception trở nên lỏng lẻo, dễ bị nhìn thấu. Như là nghịch lý thỏ và rùa chạy đua đứng cạnh nghịch lý con mèo của Schroedinger. Viễn tưởng của GitS nằm ở một tầm cao khác.

Thứ hai, Inception có quá nhiều điểm vô lý. Khi xem lần thứ nhất, ai nấy đều bị khung cảnh và màu sắc trong phim hớp hồn, sau đó lại bị những tranh luận và thắc mắc về những chi tiết nhỏ nhặt trong phim cuốn hút nên không để ý. Thật ra chỉ cần tỉnh táo lùi lại một chút, nhìn Inception một cách tổng quan, ta sẽ thấy sự vô lý đầy rẫy :

-Các định luật vật lý áp dụng được trong mơ. Ví dụ súng ống bắn nhau, mìn nổ, người đánh nhau, lực hút của trái đất v.v... Hơi buồn cười.

-Mơ vốn là một kinh nghiệm phi lý tính. Tôi không thấy nhân vật nào trong phim này mọc cánh bay hoặc dùng sức mạnh siêu nhiên cả, mà tôi thì suốt ngày mơ thế. Ai đó có thể nói rằng nếu làm vậy thì thằng target sẽ biết mình đang nằm mơ, nhưng thật ra có rất nhiều lúc mà thằng target nó đâu có nhìn, tội gì không dùng chui ?

-5 phút thực bằng 1 giờ mơ. Cứ cho là đúng đi, nếu não khi ngủ hoạt động nhanh hơn. Nhưng làm thế quái nào mà 5 phút mơ level 1 bằng 1 giờ mơ level 2. Đến đây thì rõ là bịa linh tinh, phi logic.

-Inception đề cao sức mạnh của giấc mơ và vô thức quá đáng, giống như Freud.

-Hack luôn khó hơn lập firewall. Tội phạm giấc mơ nguy hiểm như thế, mà công nghệ chống lại nó hầu như không có, hoặc yếu ớt. Trong GitS, nếu mà cứ gặp ai cũng chọc một đầu dây của hub vào đầu họ như trong Inception, có ngày cả vô thức lẫn ý thức của anh bị firewall của người ta đốt chết luôn.

-Nhiều người thích đời sống trong mơ hơn thực tế, dù biết mình đang mơ. Rõ vớ vẩn. Đây là một cái concept được khai thác nhiều, sự lựa chọn giữa thế giới thực tế màu xám và thế giới phi thực màu hồng. Thế giới phi thực được xây dựng bằng nhiều cách khác nhau trong các tác phẩm khác nhau. Như trong The Matrix, thì thế giới phi thực là hiện thực ảo tạo ra bởi máy móc, nó cấy vào đầu con người. Con người sống trong đó trải nghiệm những thực tế hoàn toàn tương tự với hiện thực. Họ có vị giác, xúc giác, khứu giác, họ có thể có cực khoái khi làm tình chả khác gì trong hiện thực, bởi máy móc thực hiện điều đó cho họ, kết nối cho họ. Họ vẫn có tương tác xã hội với các cá nhân khác trong một hiện thực ảo mang tính toàn cầu. Bởi vậy mới có những người chọn ở lại trong matrix. Inception dùng giấc mơ đơn lẻ của một hoặc vài người làm thế giới phi thực. Mà giấc mơ thì chỉ có hình ảnh, rất ít mùi vị và âm thanh, hầu như không có xúc giác. Không có các kinh nghiệm vật lý, thì đương nhiên cũng không có các cảm giác vật chất, và dẫn đến không có hạnh phúc. Có thể phân tích sâu về điều này, nhưng tôi nghĩ không cần thiết. Chả ai biết mình đang mơ (theo nghĩa đen) mà lại chọn không tỉnh lại cả. Thế giới trong mơ không đủ điều kiện để dùng như một thế giới phi thực màu hồng. Không nói đến chuyện thực giả, thì nó vẫn không làm người ta đủ sướng.

-------

Dù được hô hào quá xa giá trị thực, Inception vẫn là một phim hay, chiều khán giả, xem đã mắt, thiết kế khung cảnh khá độc đáo, cốt truyện bề ngoài phức tạp bên trong đơn giản, một phim giải trí đơn thuần. Tôi không nghĩ sẽ xem lại lần hai, nếu có thì chỉ để ngắm nàng Mal (Marion Cotillard) mà thôi :





---

imdb : 9.1, quá cao.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét