Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

We are all born under a star that rules our fate



Đã một thời gian dài tôi không viết một review phim nào. Hôm nay, sau khi xem lại một vài đoạn nhỏ của Shinobi : Heart under Blade, chủ yếu vì không còn gì để xem, phần vì phim này quay đẹp, tôi quyết định ngồi viết một chút.

Thật ra tôi không còn gì nhiều để nói. Shinobi cũng chỉ là một bộ phim ninja với kỹ xảo tốt, cảnh quay đẹp với cốt truyện cổ điển kiểu Romeo và Juliet : hai làng ninja có hận thù sâu sắc, Genosuke cầm đầu làng Manjidani, Oboro cầm đầu làng Tsugabakure lại là đôi tình nhân. Sợ kẻ thù của mình lợi dụng hai làng này để nổi dậy, Shogun Tokugawa Ieyasu bày ra một kế hoạch hiểm độc để hai làng thanh toán lẫn nhau. Trong khi Genosuke có ý muốn phản kháng lại, Oboro với bản tính thực tế và yên phận của phụ nữ chấp nhận mọi chuyện với câu nói : "chúng mình chỉ có thể đến được với nhau trong một giấc mơ."

Genosuke trả lời : "Số phận là do bản thân ta tạo nên."

Đợi cho Genosuke đi rồi, Oboro mới nói một mình : "Số phận là thứ ta không thể thay đổi."

Cuộc đời của shinobi là chiến đấu và chết trong chiến đấu. Số phận - hay karma - của hai làng ninja này là bị hủy diệt ? Tại sao không chạy sang một chỗ khác ? Karma của đôi tình nhân là bị chia cắt ? Tại sao không ẩn vào đâu đó như Dương Qua và Tiểu Long Nữ chẳng hạn ? Karma của Tokugawa là làm gì đều được như ý muốn, mang đến hòa bình cho đất nước ? Pfsssss ... Những câu hỏi đó sẽ được bỏ qua ở đây.

---

Đoạn gây cảm hứng cho tôi là đoạn ở gần cuối phim, Oboro ngồi một mình bên dòng suối, áo nàng trắng, mềm mại, mái tóc đen dài che kín khuôn mặt, cổ nàng cao, nàng đưa tay vốc nhẹ một ít nước lên uống. Xung quanh nàng là màu trắng của mùa đông. Xung quanh nàng là tĩnh lặng nguyên sơ của núi rừng. Nàng khẽ mở đôi mắt, nó vẫn đẹp như xưa, cho dù bây giờ nàng đã không còn nhìn được. Trong mắt nàng có nước mắt. Lần đầu tiên trong suốt bộ phim, nàng khóc, dù vậy mắt nàng cũng chỉ ở mức long lanh, không có dòng nước mắt nào chảy ra trên khuôn mặt mà ở đó sự cam chịu và vẻ đẹp nữ tính hài hòa theo một cách thật đặc biệt. Bức tranh có cô gái áo trắng đơn độc và hòa hợp với thiên nhiên, nỗi buồn và niềm hy vọng, một chút dìu dịu ngọt ngào khi nàng vuốt ve kỷ vật của người yêu, hoặc khi con ó Hayate, chứng nhân duy nhất cuộc tình của nàng, bay đến và đỗ lại trên cành cây phủ tuyết, làm vụn tuyết nhỏ bắn tứ tung. Tất cả những cái đó gợi cho tôi một cảm giác : vẻ đẹp này quả thật là một cái gì rất Nhật, và tôi nhớ lại một khái niệm đã lâu nay không nghe :

mono no awari - cảm thức về sự mất mát

Tôi nhớ lại nhiều thứ về người Nhật. Đầu tiên là Yasunari Kawabata. Bàn tay của cô thiếu nữ đổ xúc xắc đều đều. Trăng soi đáy nước. Những lá anh đào bay trong gió, đôi lúc, trong một thế giới của ai đó, lại trở nên sắc bén như vô vàn lưỡi dao lam. Seppuku. Danh dự và sự chịu đựng. Lộ vẻ đau đớn là nhục nhã. Có lẽ, Nhật Bản thời xưa là một dân tộc sống và bị bắt buộc phải sống với nội tâm nhiều nhất trên thế giới. Sự dồn nén ấy đã tạo ra không biết bao nhiêu bi kịch, bất công nhưng đồng thời cũng đã sinh ra nhiều điều đẹp đến kỳ lạ.

Những điều mà, thoạt tiên, một người đến từ nền văn hóa khác sẽ không thể hiểu nổi. Như Blackthorn đã nhìn con đường dưới chân thành trải đầy xác người và không thể hiểu nổi cái nghi lễ điên rồ, tàn bạo, chết chóc lại được Yabu nhận xét là : đẹp như một bài thơ. Bao nhiêu thế hệ người của dân tộc này đã sống trong nỗi lo âu về thiên tai, dưới ách áp bức của một số nhỏ thống trị, họ đã sống cuộc đời mà bất cứ lúc nào tai họa cũng có thể đổ ập xuống đầu, hạnh phúc không bao giờ là điều gì chắc chắn, từ lâu họ đã ví cuộc đời như là một giấc mộng, hạnh phúc lại càng là một giấc mộng bên trong một giấc mộng và nỗi buồn thì như dòng suối trôi không bao giờ ngừng nghỉ. Họ học cách tận hưởng đến tận cùng cái đẹp của sự hữu hạn, của giây phút thoảng qua như lúc cánh hoa lìa cành, mặt trời mọc hoặc những bông tuyết đầu tiên. Họ học cách bảo quản những vẻ đẹp mong manh đó vào tận trong sâu thẳm ký ức của mình, để rồi khi che dấu cái tôi trong vô số tầng lớp nghi thức, phép tắc, quy củ, họ có được một thế giới nội tâm khã dĩ có thể đương đầu được với thế giới thực tàn bạo, khắc nghiệt bên ngoài.

Không ở đâu mà người ta lại nói nhiều đến kẻ thất bại như ở nhật, trong nhiều truyện, nhiều vở kịch, nhân vật chính không phải là người thắng mà lại chính là kẻ thua. Lòng trắc ẩn của họ rất khác. Nếu như trong rất nhiều nền văn hóa, kết thúc "hạnh phúc" nhất là kẻ ác bị trừng phạt, đôi uyên ương lấy nhau sống đến đầu bạc răng long, dư giả vật chất thì ngược lại, hình như tôi chưa bao giờ đọc được cái gì tương tự ở văn Nhật. Họ đã quá gắn bó với nỗi mất mát để có thể nuốt trôi những kết thúc có hậu như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét