2007 (hay là 2006 ?)
Phù, vậy là đã xem xong nửa còn lại.
Before sunset
Để xem Before sunset cho trọn ven, trước tiên ta phải xem Before sunrise - một phim Hollywood thuộc loại tạm được. Đấy là câu chuyện tình lãng mạn trong chỉ một ngày của chàng người mỹ Jesse và nàng người Pari Celine. Hai người trẻ tuổi gặp nhau trên một chuyến tàu đến Vienna, mọi chuyện xảy ra mượt mà như lụa với rất nhiều đối thoại dễ thương (có phần ngây ngô), tâm lý nhân vật phát triển một cách hài hòa, lãng mạn nhưng không đến nỗi nông cạn, hời hợt. Dù sao thì chúng ta đều biết tất nhiên cuối cùng họ sẽ làm tình, (làm thế nào mà khác được nhỉ ?), hai lần trong công viên. Mặt trời thì vẫn mọc, họ chia tay nhau ở sân ga với lời hẹn gặp lại sáu tháng sau đó khiến người xem không khỏi bồi hồi vì không rõ họ có gặp nhau không, phim đến đây là hết. Như bất cứ người kể chuyện khôn ngoan nào cũng làm, đạo diễn để lại phần kết cho trí tưởng tượng của khán giả. Điều đó tăng sức cuốn hút của câu chuyện lên gấp hai lần, và có lẽ bây giờ mà đi làm phần tiếp theo thì không được thông minh cho lắm.
Nói như vậy để thấy rằng với tư cách là một sequel, Before sunset không tồi chút nào. Nhưng với tư cách một bộ phim, thì nó đã làm tôi phải bực mình mà tắt khi mới xem được 30 phút.
Phim kể rằng 9 năm sau, họ gặp lại nhau ở Pari. Jesse - chàng người Mỹ - đã trở thành một nhà văn viết được một tiểu thuyết bestseller, kể không về điều gì khác ngoài một đêm tuyệt vời ở Vienna.
Câu hỏi đặt ra : làm thế nào mà chuyện hai cô cậu thanh niên tán tỉnh nhau cộng thêm vài sự bất an và lo lắng về những vấn đề nhân sinh to tát trên thế giới TRONG MỘT ĐÊM lại có thể trở thành bestseller.
Khi Jesse trả lời phỏng vấn với phong cách ngập ngừng đầy chất ứng tác giả tạo xong thì thấy Celine ngoài cửa sổ. Vậy là họ gặp lại sau chín năm. 30 phút đầu là câu chuyện của hai người đã lớn hơn, bớt cởi mở hơn, câu chuyện tẻ nhạt và đầy sự phòng thủ khách sáo, giọng nói xoen xoét của Celine, và tệ hơn là cả Jesse làm tôi hết chịu nổi. Vẫn biết hai người không liên lạc với nhau 9 năm cần thời gian để tìm lại nhịp điệu của mình, nhưng tra tấn khán giả lâu thế liệu có quá đáng lắm không ?
Vậy là hôm nay tôi mới xem tiếp từ phút 31. Ý đồ của đạo diễn rõ dần, khi mặt trời mọc 9 năm trước, đêm chết và mang theo tất cả sự lãng mạn của hai người. Từ bỏ những mặt nạ giả dối nhiều màu sắc, Jesse hiện ra là người có cuộc sống gia đình bất hạnh, chỉ còn có ít niềm vui khi ở cạnh con trai. Anh cưới vợ chẳng qua vì đã làm vợ mang bầu, đến ngay trước lễ cưới vẫn còn nghĩ mình vừa nhìn thấy Celine. Anh không cười nổi khi ở bên cạnh vợ và trong 4 năm gần đây chưa có đến 10 lần làm tình. Tất cả những gì anh làm, đấy là nhớ về Celine, và viết tiểu thuyết rẻ tiền bán chạy. Tất nhiên về điểm này thì Jesse và Celine sẽ không đồng ý với tôi.
Phần Celine cũng không khá khẩm hơn mấy. Cô có nhiều đàn ông, nhìn thấy những điểm tốt của họ, quan trọng hơn là nhìn thấy những điểm đặc sắc của họ, làm cho họ hiểu tình yêu phải là như thế nào ? Nhưng tất cả đều ngắn ngủn, tệ hơn Jesse, cô chẳng ân ái nổi với ai, và các người yêu của cô ra đi với niềm biết ơn, cô nhận thiệp cưới từ họ không lâu sau đó.
"Lãng mạn", đối với bọn họ, đã bị đêm đó mang đi và giấu ở đâu đó vô cùng xa xôi, Jesse và Celine, bằng tất cả sức lực của mình không cách nào tìm nổi, chỉ còn cách nhớ lại quá khứ, nhớ lại quá khứ, cho đến khi 34 và 32 tuổi ngồi trong taxi và khóc như hai đứa trẻ con, có điều không còn dám ôm nhau như hai đứa trẻ con.
Đến lúc đó thì tôi đã hiểu tại sao phim này được nhiều người yêu thích đến thế. Bởi không những nó lãng mạn, mà nó còn yếu đuối một cách lãng mạn.
Họ sống trong một thế giới của những điều nhạt nhẽo và trói buộc, lòng lúc nào cũng mơ đến một điều gì khác. Nhưng họ quá yếu đuổi, nhu nhược nên không thể tự tạo ra một điều gì. Số phận đưa đẩy Jesse và Celine đến một đêm tinh tế, nồng nàn, khi mặt trời mọc, họ phải trở lại với thế giới tầm thường, trong lòng chua xót nghĩ đêm trước chỉ là một giấc mơ, không đủ sức mạnh để quên đi giấc mơ đó, càng không đủ sức mạnh để theo đuổi, chứ đừng nói đến chuyện đủ tình yêu và lòng dũng cảm để tạo nên những giấc mơ mới, ban ngày, những giấc mơ đẹp hơn và không lệ thuộc vào sự ngẫu nhiên ngu xuẩn của số phận.
Họ gặp lại nhau, nắng tắt dần và đêm thì sống lại. Sự lãng mạn hồi sinh.
Nhưng sau 9 năm đau khổ, và cũng chỉ vì một sự tình cờ nên mới hồi sinh được, với tiềm năng của một vụ ly dị.
Chính vì thế, chuyện hai người gặp lại đối với tôi mà nói, về mặt bản chất có hơn gì cô gái hàn quốc xinh đẹp đi giày thủy tinh tìm lại được bố mẹ là chủ tịch hội đồng quản trị giàu có.
Suốt cả phim, tôi cảm thấy buồn và thương hại cho hai người. Buồn vì sự yếu đuối của họ, buồn vì họ không học được điều gì. Xem xong, tôi còn buồn hơn vì cái mà họ đề cao đến thế cuối cùng cũng chỉ là vẻ đẹp của sự chủ nghĩa lãng mạn. Mà chủ nghĩa đó thì nông cạn và hời hợt, ngay cả về lãng mạn, nó cũng không thể so sánh với chủ nghĩa hiện thực. So với nỗi buồn cách đây vài trăm năm của nàng Ariel khi ngắm nhìn những tia nắng cuối cùng tắt trên mặt biển, có lẽ nó cũng chưa bằng ...
Hôm nay, tôi mở đầu blog bằng một entry về một phim mà mình không thích, giữa hai lần giặt và trong một ngày thảm đạm với bầu trời màu cháo lòng.
Như thế quả là không đến nỗi nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét